Top 5 Loại Côn Trùng Gây Hại Thường Gặp Trên Rau Xà Lách
Top 05 Côn Trùng Gây Hại Là “Kẻ Thù” Của Rau Xà Lách
Bên cạnh yếu tố nấm, rối loạn dinh dưỡng, rối loạn sinh lý thì còn 1 yếu tố cực kỳ gây hại cho xà lách đó chính là côn trùng. Hãy cùng Xanh Bất Tận điểm danh top 5 loại côn trùng gây hại thường gặp trên rau xà lách. Cùng mình tìm hiểu ngay bên dưới bạn nhé!.
Nguyên Nhân Côn Trùng Gây Hại Xuất Hiện Trên Rau Xà Lách
Tất cả các cây cối và các vật liệu thực vật xung quanh khu vực canh tác đều có thể là nguồn mang côn trùng gây hại cho xà lách. Chẳng hạn:
-
Cỏ dại là một trong những nguồn phổ biến đem đến côn trùng và sâu hại cho vườn xà lách của bạn. Bởi vì cỏ dại là nơi trú ngụ và cung cấp thực phẩm cho các côn trùng gây hại, chúng tồn tại như một vật chủ cho các dịch bệnh.
-
Xác cây trồng không thu hoạch có thể là khu vực tập trung nhiều loại côn trùng gây hại, đây là nơi an toàn cho côn trùng trú ngụ trước khi xâm nhập vào một cây trồng khác. Xác cây trồng bao gồm phần cây bị tỉa bớt, các vật liệu thực vật được lấy ra trong quá trình canh tác, quả già héo bị để lại trên cây.
-
Các cây con cũng là nguồn chứa đáng kể các loại côn trùng gây hại và bệnh cây. Các cây con được đem đến từ nơi khác hoặc được lấy từ khu vực nuôi cấy của bạn hoặc từ các vườn cây bán. Điều này có nghĩa rằng chúng là nguồn chứa đáng kể các loại côn trùng gây hại sẽ xâm nhập vào cây trồng của bạn.
-
Phương pháp sản xuất đơn canh (chỉ trồng 1 loại cây duy nhất) sẽ cung cấp nguồn thức ăn vô tận cho sâu hại. Chúng sẽ gia tăng và bùng phát nhanh chóng thành dịch hại mà không bị yếu tố nào ngăn cản.
Các Loại Côn Trùng Gây Hại Trên Xà Lách Thường Gặp Nhất Và Cách Khắc Phục
Côn trùng, sâu hại là một trong những nguyên nhân chính làm hạn chế năng suất và chất lượng của xà lách. Cùng Xanh Bất Tận tìm hiểu ngay top 5 côn trùng gây hại thường gặp nhất trong quá trình trồng xà lách cũng như cách khắc phục.
Top 1. Sâu Ăn Lá
Sâu ăn lá có lẽ là nỗi ám ảnh của rất nhiều người đang trồng xà lách sạch. Khi không có giải pháp ngăn chặn kịp thời, sâu ăn lá sẽ sinh sôi, nảy nở và phá hoại mùa màng. Ở mật độ cao, chúng có thể ăn phá lá xơ xác, thậm chí chỉ để còn lại gân lá.
Loài sâu ăn lá này chủ yếu gây hại vào giai đoạn lá non. Khi gây hại sâu kéo tơ cuốn các lá non lại với nhau, ăn phá trên lá và làm cho lá có các phần bị lõm vào từ phiến lá hoặc lá bị biến dạng nhỏ lại, phát triển không đồng đều.
Cách phòng trừ sâu ăn lá chính là dùng tay bắt, sử dụng dung dịch tỏi ớt gừng để tiêu diệt, dùng nước theo tỉ lệ 2 sôi 3 lạnh hoặc 1 sôi 1 lạnh để diệt sâu ăn lá.
Top 2. Bọ Trĩ Gây Hại
Nếu một ngày bạn ra thăm vườn xà lách và phát hiện trên lá có những đốm trắng vàng hoặc màu bạc, thậm chí là bị cong và héo vậy khả năng cao là xà lách của bạn đang bị bọ trĩ gây hại truyền virus héo xanh vào cây bị chích hút (TSWW)
Bọ trĩ là dịch hại phổ biến trên cây trồng. Đây là loại côn trùng nhỏ, tuy nhiên có thể thấy được bằng mắt thường. Thân hình thon dài, miệng rất cứng, phá hại bằng cách dùng miệng đục thủng các bộ phận của xà lách rồi hút nhựa làm cây suy yếu.
Bọ trĩ là côn trùng kháng thuốc rất nhanh vì vậy sau 2-3 tuần bạn nên thay đổi thuốc trị bọ trĩ khác nhau một lần. Bạn cũng có thể sử dụng lưới ngăn côn trùng có thể ngăn bọ trĩ bay vào nhưng phải lưới tốt để hạn chế bọ trĩ di chuyển.
Top 3. Ruồi Đục Lá
Ruồi đục lá còn được gọi là sâu vẽ bùa. Đây là loại côn trùng gây hại cho rất nhiều cây trồng, trong đó có xà lách. Ấu trùng ruồi đục lá đục vào trong lá ăn mô lá, chừa lại biểu bì tạo ra những đường ngoằn ngoèo trên lá.
Ruồi đục lá ăn mô lá làm giảm diện tích quang hợp, do vậy chúng làm cây vàng, cằn cỗi, lá rụng sớm, chúng gây hại nặng giai đoạn cây con. Đối với rau xà lách, vết đục của ruồi đục lá làm giảm thương phẩm.
Ngoài ra, vết thương trên lá do ruồi đục lá gây ra tạo điều kiện cho các vi sinh vật gây hại cây khác xâm nhập. Ruồi đục lá có thể xuất hiện nhiều lứa gây hại trong năm nhưng thường gây hại nặng vào mùa nắng.
Để phòng trừ ruồi đục lá bạn nên vệ sinh đồng ruộng, dọn dẹp các loại cỏ lá rộng, theo dõi mật độ và tỷ lệ lá bị hại để có biện pháp sử dụng thuốc hóa học hợp lý.
Top 4. Rệp Sáp Gây Hại Trên Xà Lách
Rệp sáp là sâu hại nghiêm trọng có thể gây hại lên bất cứ bộ phận nào của cây. Đây là loại côn trùng chích hút, có hình dạng oval hơi tròn, xung quanh cơ thể thường có 18 cặp tua ngắn. Rệp non mới nở có màu hồng, hình bầu dục và có khả năng di chuyển nhanh. Sau khi rệp tấn công vào các bộ phận non của xà lách. Cơ thể sau vài ngày sẽ xuất hiện lớp sáp trắng từ đó không di chuyển nữa.
Nhựa cây là thức ăn chính của rệp sáp, đây là nguyên nhân trong một số trường hợp cây bị quăn lá. Bên cạnh đó rệp sáp còn sản xuất ra mật và làm cho nấm mốc phát triển. Rệp sáp mang rất nhiều loại vi rút như là xoăn vàng lá trên xà lách.
Phòng trừ rệp sáp nhanh chóng bằng cách cắt bỏ những cành mọc sát đất để tránh rệp sáp từ đất lây lan. Vệ sinh đồng ruộng thường xuyên để loại trừ kiến. Sử dụng thiên địch (Ong ký sinh, bọ rùa,...) hoặc các loại thuốc trị rệp sáp để diệt nhanh chóng. Dọn sạch tất cả cây còn lại và hủy sạch.
Top 5. Sâu Bướm
Sâu bướm là ấu trùng của bướm, là giai đoạn thứ 2 trong vòng đời của bướm (trứng, ấu trùng, nhộng, trưởng thành). Sâu bướm có màu từ xanh lá đến nâu, kích thước 1-6cm. Con trưởng thành (ngài) chỉ bay vào ban đêm. Sâu bướm thường tạo những lỗ trên lá xà lách và để lại phân màu xanh nâu dễ nhìn thấy.
Ban đầu, ấu trùng non ăn các mô mềm. Các ấu trùng lớn hơn bắt đầu ăn toàn bộ lá, kể cả gân lá. Chúng xuất hiện với số lượng lớn và có khả năng ăn toàn bộ lá của cả một cánh đồng xà lách nếu không bị khống chế.
Cách phòng trừ: Theo dõi vườn xà lách của bạn thường xuyên để ngăn chặn và phân tán sớm. Dọn sạch cỏ và tàn dư từ cây trồng trước. Sử dụng bẫy đèn để bắt ngài và lưới ngăn côn trùng xung quanh để hạn chế ngài từ ngoài bay vào.
Cách Phòng Ngừa Côn Trùng Gây Hại Trên Rau Xà Lách Đơn Giản
Sau khi tìm hiểu về các loại côn trùng gây hại thường gặp nhất ở xà lách, dưới đây mình sẽ hướng dẫn cho bạn 03 cách phòng ngừa côn trùng trên xà lách được xem là hiệu quả nhất hiện nay.
#Cách 1: Phòng trừ sâu bệnh bằng cách canh tác và sử dụng giống chống sâu bệnh
-
Thường xuyên vệ sinh đất đai nhằm tiêu diệt mầm mống và nơi trú ẩn của sâu bệnh hại cây trồng.
-
Gieo giống tránh những thời điểm sâu bệnh sinh trưởng mạnh.
-
Trồng các loại cây trồng luân phiên qua các vụ nhằm giảm sự thích ứng của sâu bệnh.
-
Sử dụng phân bón hợp lý và chăm sóc các cây trồng cẩn thận để tăng khả năng chống sâu bệnh.
-
Lựa chọn những giống cây có khả năng chống sâu bệnh.
#Cách 2: Biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại bằng thủ công
Phương pháp này chỉ đơn giản là bạn dùng tay bắt sâu, ngắt bỏ lá bị bệnh hoặc dùng vợt, bẫy đèn, bả độc để diệt sâu hại. Ưu điểm của phương pháp này là dễ thực hiện, không gây hại môi trường, đảm bảo thực phẩm sạch. Còn nhược điểm là khó áp dụng trên diện tích lớn, tốn nhiều thời gian và công sức.
#Cách 3: Biện pháp phòng trừ sâu bệnh bằng thuốc hóa học
Đối với biện pháp này, bạn sử dụng thuốc trừ bệnh hóa học để phun lên rau xà lách. Ưu điểm là hiệu quả cao, diệt bệnh nhanh. Nhược điểm là gây độc cho con người, vật nuôi, môi trường cũng như các loại sinh vật có lợi khác trên đồng ruộng.
Trên đây là top 5 loại côn trùng gây hại thường gặp trên rau xà lách. Hy vọng những thông tin về cách nhận dạng và phòng trừ sâu bệnh Xanh Bất Tận chia sẻ sẽ giúp bạn có thêm kinh nghiệm chăm sóc vườn rau của gia đình mình.