Cách Trồng Khổ Qua (Mướp Đắng) Tại Nhà Ai Cũng Làm Được

Hướng Dẫn Cách Trồng Khổ Qua Tại Nhà Rất Đơn Giản 

 

Cách trồng khổ qua tại nhà nghe thì dễ nhưng có mấy ai trồng thành công đâu. Nghe đâu bảo, đại đa số thấy cây tốt um, lá xanh mượt mà không thấy trái - có vẻ hơi buồn ấy nhỉ. Bạn đừng quá lo lắng, hôm nay Xanh Bất Tận chúng mình sẽ bật mí cho bạn cách trồng khổ qua cực kì đơn giản mà quả thì ra siêu nhiều luôn.

Bạn biết đó, Khổ qua không chỉ giúp giải độc gan, thanh mát cơ thể mà các món ăn, thức uống được chế biến từ khổ qua cũng vô cùng đa dạng. Chính vì nhiều công dụng như vậy, khổ qua ngày càng được ưa chuộng và được trồng để làm thực phẩm tại nhà mà không cần đi mua.

Đôi Nét Về Cây Khổ Qua

Khổ qua hay còn có tên gọi khác là mướp đắng (Miền Bắc), là loại rau củ thuộc họ bầu bí. Trong nhóm rau ăn quả, khổ qua là loại rau đắng nhất. Trái ngược với vẻ bề ngoài sần sùi khổ qua là cây dạng dây leo khá dễ trồng. Vì vậy, được trồng khá phổ biến ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới như Đông Nam Á. 

Cây khổ qua trưởng thành có thể dài đến 20m. Lá cây có nhiều lông nhám mọc lẻ, xẻ từ 5 đến 7 thùy đều nhau, có răng cưa ở hai viền, khi vò có mùi khó chịu li ti.  Cây mướp đắng có tuổi thọ hơn 1 năm. Từ 2 - 3 tháng kể từ lúc gieo hạt, chúng ta có thể thu hoạch được quả

Về mùa vụ, để có thể trồng đạt năng suất cao và cây sinh trưởng khỏe mình sẽ chia ra 03 vùng khác nhau bao gồm:

  • Miền Nam: Về khí hậu không quá rõ rệt 4 mùa nên người dân có thể trồng khổ qua quanh năm, nhưng thời vụ trồng khổ qua thích hợp nhất là từ tháng 10 cho tới tháng 3 năm sau.

  • Miền Trung: Thời vụ chính nhất để trồng khổ qua cho năng suất, cây sinh trưởng tốt thì nên trồng khoảng từ tháng 11 đến tháng 6 năm sau hoặc từ tháng 12 đến tháng  7 năm sau.

  • Miền Bắc: Sự tách biệt rõ rệt của 04 mùa trong năm nên để trồng khổ qua tốt nhất ở Miền Bắc, ta nên trồng từ tháng 3 cho tới tháng 9, thời gian thu hoạch bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 12.

Trồng Khổ Qua Nên Cần Chuẩn Bị Những Gì?

Để có thể trồng cây khổ qua được tốt nhất. Thì những vật dụng sau đây bạn cần nên có và chuẩn bị sẵn sàng, bao gồm: 

  • Hạt giống khổ qua

  • Khay, chậu, thùng xốp có chiều cao 30cm hoặc hoặc hơn

  • Đất trồng hữu cơ, giàu dinh dưỡng

  • Phân bón hữu cơ

  • Dụng cụ làm vườn, kéo và găng tay làm vườn

  • Thanh tre hoặc thanh gỗ

  • Lưới làm giàn leo

Cách Trồng Khổ Qua Tại Nhà Cực Kì Đơn Giản Mà Ai Cũng Nên Biết

Để có những cây khổ qua siêu trái mà ai cũng phải ngước nhìn, bạn nên đọc kĩ hướng dẫn (kỹ thuật) trồng khổ qua dưới đây của mình chỉ với 05 bước đơn giản.

 ✅ Bước 1. Chuẩn Bị Đất Trồng Và Xử Lý Hạt Giống

Với đất trồng, để đơn giản nhất bạn nên tìm mua đất sạch hữu cơ sfarm trồng rau ăn quả, đất sạch trồng cây tribat, đất sạch namix hoặc các dòng đất hữu cơ đang được bán trên thị trường với ưu điểm là đã trộn sẵn, bạn không cần phải phối trộn lại mà chỉ cần thêm ít phân lân, trichoderma, neem cake.

Riêng đối với hạt giống nên tìm mua chỗ bán hạt giống khổ qua uy tín, chất lượng và hạt nảy mầm cao để mua. Đảm bảo khả năng nảy mầm, sinh trưởng cũng như hạn chế tối đa các loại bệnh trên cây sau này.

 ✅ Bước 2. Gieo Hạt Giống Khổ Qua Lên Đất Trồng

Hạt được mua hoặc dùng hạt từ các quả già làm giống, không nên gieo trực tiếp liền mà cần ngâm hạt trong nước ấm (2 sôi 3 lạnh, nhiệt độ khoảng 50-52 độ C) trong vòng 6 - 8 tiếng. Tiếp theo là vớt hạt ra và ủ trong khăn ấm. Sau 24 giờ, đem hạt rửa sạch lớp nhớt bên ngoài và tiếp tục ủ cho đến khi hạt nứt nanh.

Tiến hành gieo các hạt đã nứt nanh xuống đất đã chứa trong các thùng xốp, chậu trồng rau đã chuẩn bị. Để đảm bảo nảy mầm cao, nên tạo lỗ trồng có độ sâu từ 2 - 4 cm. Khoảng cách trồng khổ qua tốt nhất là: 25 - 30 cmĐể thêm khả năng giữ ẩm và giúp hạt nảy mầm nhanh nên phủ 1 lớp rơm mỏng hoặc lớp tro hoai.

 ✅ Bước 3. Chăm Sóc Cây Khổ Qua Sau Khi Trồng

Thông thường khoảng từ sau 15 ngày cây bắt đầu sinh trưởng và phát triển từ 2 đến 4 lá thật. Khi cây càng lớn, nhu cầu dinh dưỡng càng nhiều và lúc này bạn cần phải bổ sung thêm - đặc biệt là các dòng phân bón hữu cơ giúp cây khỏe, sinh trưởng mạnh. 

  • Giai đoạn cây con: Giai đoạn này chỉ cần tưới nước để giữ ẩm, nếu cần thiết có thể che chắn bớt nắng và bón thêm một ít phân bón hữu cơ cho cây - có thể dùng phân trùn quế hữu cơ. Khi cây có 04 lá thật, ta tiến hành ngắt đọt khổ qua nhằm mục đích cho nhánh phát triển nhiều và từ đây giúp cây đậu được nhiều quả hơn.

  • Giai đoạn trưởng thành, phát triển chồi: Giai đoạn này chúng cần nhiều dinh dưỡng nhất, bạn nên bón thêm nhiều phân ure hoặc NPK 30-10-10 sẽ giúp cây phát triển chồi cực mạnh, từ đây giúp chúng leo giàn tốt hơn.

  • Giai đoạn ra hoa, đậu quả (trái): Giai đoạn này để tăng khả năng ra được nhiểu hoa, bạn nên sử dụng các dòng phân chuyên kích ra hoa, dưỡng hoa, dưỡng trái như: NPK 20-20-15, NPK 15-5-20 để giúp hoa đậu nhiều, thụ phấn tốt và hạn chế rụng trái non.

​Lượng nước tưới thì tăng dần từ giai đoạn cây con cho đến khi cây ra hoa đậu quả, đặc biệt là không tưới lúc trời nắng nóng sẽ làm cho hoa, trái non của khổ qua bị rụng rất nhiều do sốc sinh lý.

 ✅ Bước 4. Làm Giàn Leo Cho Cây Khổ Qua

Sau giai đoạn ngắt đọt khổ qua, chúng sinh trưởng và đẻ nhiều nhánh với tốc độ phát triển nhanh về chiều cao. Lúc này, ta nên sử dụng tre và gỗ để làm giàn rồi dùng lưới làm giàn leo phủ lên để cây có đủ không gian phát triển, ra hoa, đậu quả tốt nhất.

 ✅ Bước 5. Thu Hoạch

Như các bạn cũng biết, Khổ qua thu hoạch lần đầu vào khoảng thời gian từ 40 - 50 ngày sau khi gieo (khoảng từ 1,5 tháng). Cách thu hoạch thì cũng chẳng có gì khó khăn và lúc này bạn chỉ cần chuẩn bị 1 cây kéo (dao) và 1 cái rổ đựng quả là xong. 

Tiến hành chọn các quả lớn, đủ tuổi trưởng thành (các gai nở to, bóng) và tiến hành thu hái. Hầu như đến lúc này thì ngày nào cũng có quả cho bạn thu hoạch hoặc cứ 02 ngày/lần, nên bạn chuẩn bị tâm lý là hái quả mỗi ngày luôn nhé.

Các Lưu Ý Bạn Nên Biết Khi Trồng Khổ Qua Tại Nhà

Như đã hướng dẫn ở trên, nhìn thì đơn giản nhưng khi bắt tay vào trồng thì cũng sẽ có vài điểm bạn cần phải chú ý nếu như không muốn những chậu khổ qua nhà mình không tốt hoặc thậm chí là không có quả. 

  • Nên chọn mua các loại đất hữu cơ trộn sẵn như mình giới thiệu ở trên. Hoặc nếu không thể mua được thì nên chọn đất trồng khổ qua là các loại đất thịt nhẹ, đất cát pha tơi xốp và thoát nước tốt.Trong giai đoạn trồng cây con cần chú ý ốc sên ăn

  • Không nên tưới vào ban đêm, nấm bệnh dễ phát triển, dẫn đến gây hại cho cây. Nấm bệnh phổ biến nhất trên khổ qua là nấm lá và nấm rễ.

  • Khi tưới nên tưới đẫm nước phần gốc, tránh phun trực tiếp nước vào ngọn và lá cây vì làm chúng bị chậm sinh trưởng, gãy đọt

  • Nên phòng các loại rệp sáp, côn trùng chích hút và đặc biệt là ruồi vàng. Biện pháp có thể dùng miến dán ruồi vàng hoặc bẫy ruồi vàng có chất dẫn dụ đi kèm để hạn chế chúng chích lên quả, làm quả bị vàng và rụng.

Trên đây, https://xanhbattan.com/ đã hướng dẫn cách trồng khổ qua đơn giản nhất tại nhà. Tuy nhiên, không phải ai bắt đầu cũng có thể thành công ngay và nếu như bạn cần thêm tư vấn cũng như hướng dẫn cụ thể hơn có thể liên hệ với đội ngũ kỹ thuật của chúng mình để được giải đáp nhanh chóng, hoàn toàn miễn phí và tận tình nhất.