Dưa Leo Bị Rụng Trái Non: Nguyên Nhân & Cách Trị
NHỮNG LÝ DO LÀM DƯA LEO BỊ RỤNG TRÁI NON
Dưa leo bị rụng trái non?. Có rất nhiều người trồng dưa leo hay gặp trường hợp rụng trái non và rụng rất nhiều, làm giảm năng suất và hầu như không còn quả nào trên cây. Vậy nguyên nhân là do đâu, cách khắc phục hiện tượng rụng trái non trên dưa leo như thế nào là hiệu quả?. Bài viết hôm nay, mình sẽ chia sẻ cho bạn 05 lý do dưa leo bị rụng trái (quả) và 03 cách để khắc phục hiện tượng rụng trái non này.
05 Nguyên Nhân Dưa Leo Bị Rụng Trái Non
#01. Nguyên Nhân Do Thiếu Nắng Và Thiếu Sáng Làm Trái Non Bị Rụng
Dưa leo là một loại cây ưa sáng và ưa nắng. Khi sinh trưởng thiếu nắng sẽ làm cho lá của cây dưa leo phát triển khó khăn và không được xanh mượt do khả năng quang hợp bị kém đi, cây sinh trưởng trong điều kiện thiếu nắng (ánh sáng) sẽ vươn lên cao làm cho thân leo của cây yếu, các thân leo chen chút lên nhau vô tình làm cho hoa và quả non không có nhiều ánh sáng - chính điều này vô tình làm cho trái(quả) của cây dưa leo bị rụng khi còn non.
Với trường hợp này, bạn nên tỉa bỏ hoa hoặc lá ở tầng dưới lá thứ 04; nên tỉa bỏ nhánh bên ở gần nơi cần cho trái để cây tập trung dinh dưỡng tốt hơn; nếu trồng dưa leo trong thùng xốp nên trồng duy nhất 01 cây, mỗi cây nên trồng cách nhau ít nhất 40 cm.
#02. Nguyên Nhân Do Thiếu Dinh Dưỡng, Đất Nghèo Dinh Dưỡng
Cây dưa leo nói riêng và cây trồng nói chung đều cần dinh dưỡng để sinh trưởng và phát triển. Thiếu dinh dưỡng hoặc trồng trong môi trường (đất trồng) nghèo dinh dưỡng, dưỡng chất thì cây sẽ sinh trưởng khó khăn, hoa và quả cũng khó mà có thể đậu quả được - hầu hết sẽ rụng hết sau đó.
Một lí do chính nữa đó là thói quen bón phân sai cách, cây cho hoa và đậu quả thì tỉ lệ Đạm (N) và Kali (K) nhu cầu rất cao cho nên thiếu khoáng chất này sẽ làm cho quả bị rụng rất nhiều, khó mà phát triển quả được.
Nên bón phân hợp lý, mỗi giai đoạn sinh trưởng cần nên chọn các loại phân bón hợp lý bởi vì mỗi giai đoạn cần tỉ lệ NPK khác nhau. Nhất là đậu hoa, đậu quả nên bổ sung nhiều Đạm và Kali để hạn chế rụng quả trên cây dưa leo.
#03. Rụng Trái Non Trên Dưa Leo Do Tưới Nước Không Hợp Lý
Với lý do thứ 03 này, được chia ra làm 02 trường hợp: tưới nước không đúng nhu cầu của cây và tưới nước lúc trời đang nắng. Với trường hợp đầu thì hầu hết do thói quen tưới tự nhiên làm thừa và thiếu nước một cách mất cân bằng. Riêng trường hợp thứ 02 rất hay gặp đó là tưới nước cho cây dưa leo vào lúc trời đang nắng hoặc vừa mới tắt nắng (cây và đất còn đang nóng khi trải qua buổi trưa nắng gắt).
Với hiện tượng rụng quả khi tưới nước lúc trưa nắng đó là rụng trái non vì bị sốc sinh lý. Tức là cơ bản thì sinh lý cây điều tiết cân bằng nước cho cây, khi tưới nước lúc trưa làm sinh lý cây thay đổi dẫn tới rụng quả - Khắc phục trong trường hợp này là không tưới nước cho cây lúc trời nắng.
#04. Rụng Trái Dưa Leo Do Lượng Quả Nhiều Trên Cây
Quả dưa leo đậu nhiều sau khi thụ phấn là một tín hiệu tốt, nhưng nó không phải là tốt nhất. Về cơ bản cái gì tốt quả thì trở nên không tốt, khi thấy hoa dưa leo nở và thụ phấn đậu quả nhiều thì việc tiếp theo của bạn là tỉa trái non. Công việc này khá quan trọng vì 02 lí do: Thứ nhất là giữ (chọn) những trái tốt, đẹp có năng suất giữ lại, loại bỏ trái hư hỏng (xấu xí) để tập trung dinh dưỡng nuôi trái tốt. Hiện tượng rụng quả khi nhiều trái là hiện tượng tự nhiên của cây, nếu được bạn hãy tỉa trước khi chúng rụng để chọn được quả ưng ý giữ lại.
Thông thường, nên bỏ trái ở dưới gần gốc và chỉ giữ những trái ở trên. Mỗi nách phía dưới nên giữ khoảng 3 quả/nách và nhiều nhất là 5 quả /nách (đối với quả ở trên ngọn cao) như vậy sẽ làm giảm rụng quả non mà còn làm tăng năng suất.
#05. Do Nấm Bệnh, Côn Trùng Gây Ra Hiện Tượng Rụng Quả Non Dưa Leo
Hiện tượng rụng trái dưa leo do nấm bệnh gây ra thực chất là bệnh thối trái non do nấm bệnh tên là Hoanephora cucurbitarum hay nấm Phytophthora sp. Biểu hiện thấy rõ nhất của trường hợp này là trái dưa leo non bị héo lại, tóp ở phần dưới của trái, trái đen và sau đó rụng hẳn khỏi cây.
Thêm vào đó, dưa leo thụ phấn nhờ ong bướm cho nên ong bướm cũng vô tình hay chích vào trái dưa leo non làm chúng bị vàng và bị rụng sau đó vài ngày.
03 Cách Khắc Phục Hiện Tượng Rụng Trái Non Trên Dưa Leo
Sau khi tìm hiểu được 05 nguyên nhân gây ra hiện tượng dưa leo bị rụng trái, phần dưới đây sẽ hướng dẫn cho bạn 03 cách để khắc phục được hiện tượng rụng trái trên dưa leo, giúp bạn đạt được năng suất tốt nhất. Cụ thể là:
Cách 1. Nên Chuẩn Bị Đất, Bón Đủ Dinh Dưỡng Cho Dưa Leo
Như đã nói, cây thiếu dinh dưỡng sinh trưởng kém, cho hoa ít và khi đậu quả cũng có mà phát triển quả lâu được - thậm chí là rụng quả non sau đó. Đối với cách làm này mình chia ra thành 02 giai đoạn chính:
-
Giai đoạn đầu: Chọn đất trồng dưa leo nên chọn đất giàu dinh dưỡng, đầy đủ chất dinh dưỡng để cây dưa leo đủ chất cần thiết cho sự sinh trưởng và phát triển một cách tốt nhất chuẩn bị cho giai đoạn ra hoa đậu trái.
-
Giai đoạn ra hoa, đậu trái, nuôi trái: Giai đoạn này cần hàm lượng NPK khác đi đôi chút, nên bón nhiều phân bón chứa Đạm (N) và Kali (K) để giúp cây khỏe, trái non hạn chế rụng một cách tối đa nhất - nên bón thêm các loại phân bón chứa Canxi - Bo để hạn chế rụng quả.
Cách 2. Chăm Sóc Và Trồng Dưa Leo Nơi Có Đủ Ánh Nắng
Trồng dưa leo nên chọn nơi có đủ ánh sáng vì bản thân cây dưa leo là cây ưa sáng, thiếu nắng là một trong những nguyên nhân làm cho hoa không nở và trái sau khi thụ phấn khó mà đậu quả được. Thêm vào đó, nên trồng dưa leo cách nhau ít nhất 0,4m và nên chọn thùng xốp (chậu trồng) nhiều đất và chỉ nên trồng duy nhất 01 cây/chậu (thùng xốp).
Nước tưới thì nên dùng nước sạch, tưới theo nhu cầu nước của cây - tuyệt đối không được tưới nước vào lúc trời trưa nắng hoặc cây mới trải qua một buổi trưa nắng gắt (cây lúc này héo tạm thời để tránh mất nước - hiện tượng sinh lý bình thường của cây). Chỉ nên tưới lại khi trời đã mát hẳn, tốt nhất là sau 17h hoặc trước 19h tối.
Cách 3. Phòng Và Trừ Bệnh Gây Rụng Trái Dưa Leo Sớm Nhất
Nên phun phòng các loại nấm bệnh hoặc vi khuẩn gây hại cho cây, nếu được nên phun phòng sớm nhất. Thêm nữa là rụng quả trên dưa leo cũng do các loại ong bướm chích làm vàng trái rồi rụng, cho nên dùng thêm bẫy ruồi (bẫy côn trùng) để phòng thêm ruồi, ong, bướm làm hại trái dưa leo lúc còn nhỏ.
Bài viết ngắn nói về "Dưa leo bị rụng trái" đến đây mình xin tạm dừng, mình hy vọng bìa viết ngắn này sẽ cung cấp thêm cho bạn một ít kiến thức cần thiết trong quá trình trồng và chăm sóc cây dưa leo nhà bạn. Nếu có thêm thắc mắc cần tư vấn, bạn liên hệ với đội ngũ kỹ thuật tại Xanh Bất Tận qua hotline số 0932657564 - 0972158146 để được tư vấn miễn phí và nhanh nhất.